Connect with us

Hi, what are you looking for?

DIỄN ĐÀN

Bỏ ra tiền tỷ làm từ thiện, ông nông dân miền Tây chỉ thích ngủ ở chòi lá xơ xác, trồng thứ cây như hành

Những việc làm của ông đều xuất phát từ cái tâm, cái tình, mong muốn đóng góp, chia sẻ những khó khăn, vất vả của người dân địa phương.

Ông Lâm Văn Phấn, với nước da bánh mật, khuôn mặt hiền, luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện – không còn xa lạ với người dân ở ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nơi gia đình ông sinh sống.

Ông Phấn (tên thường gọi Sáu Phấn) sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có chín anh chị em. Người đàn ông này được người dân quý mến bởi ông đã tự bỏ tiền túi và vận động được hàng tỷ đồng để xây dựng cầu, đường, nhà mát tại địa phương. Mỗi tháng, ông còn phát gạo cho hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phấn có thời gian tham gia cách mạng, rồi làm Chủ tịch Hội nông dân xã Tham Đôn hai nhiệm kỳ. Đến năm 1996, do hoàn cảnh gia đình, vợ bị tai biến nằm một chỗ, hai con còn nhỏ nên ông Phấn xin nghỉ việc. “Vợ tôi mất, bỏ lại hai đứa con nhỏ. Cũng từ đây, tôi bắt đầu làm công tác từ thiện cho đến ngày hôm nay”, ông Phấn nói.

Lão nông kể thêm, lúc cưới vợ, ông được cha mẹ cho 6 công ruộng (6.000m2). Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông mới dần khá giả, đến nay đã có hơn 70 công ruộng. “Cũng giống như nhiều người dân ở Tham Đôn, đất tôi trồng rau màu như đậu đũa, ớt, cà chua, đặc biệt là trồng hẹ bán bông.

Trồng hẹ bán bông nên cách từ 2-3 ngày thu hoạch 1 lần. Mỗi năm tôi thu hoạch từ hẹ khoảng 200 triệu đồng, trừ hết chi phí sản xuất, tiền thuê nhân công thì còn khoảng 100 triệu đồng”, ông Sáu Phấn nói. Ngoài ra, ông còn trồng lúa, vì vậy gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.


“Mát tay”, trồng cây gì, hiệu quả cây đó, ông Sáu Phấn được bà con cảm phục, thường tới học hỏi kinh nghiệm, tư vấn làm ăn.

Vốn tính dễ gần, nghĩa tình, ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, trực tiếp hướng dẫn bà con làm bờ, chọn giống, chăm bón.

Ngoài ra, nhờ cơ nghiệp vững chãi, ông Sáu Phấn “mạnh tay” làm từ thiện. Ông Phấn đã đóng góp 2,2 tỷ đồng (tiền cá nhân ông, vận động từ người thân, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân) xây mới và sửa chữa 6 cây cầu, 4 tuyến đường giao thông nông thôn; xây 2 căn nhà nghỉ mát giữa ruộng làm nơi cho bà con trú nắng mưa, nghỉ trưa khi đi làm đồng và tập kết nông sản vào mùa thu hoạch.

Ngoài ra, ông còn trồng hàng nghìn cây bạch đàn, đào hai ao nuôi cá, để khi người có nghèo cảnh khó khăn cần cây cất nhà thì ông cho cây làm nhà. Người nghèo không có cơm ăn thì ông cho gạo, cá; người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn thì ông giúp tiền đi điều trị…

Ông nói, những con đường, cây cầu đã xây xong hoặc sắp xây tất cả sẽ là con số không, nếu không được người dân đồng lòng ủng hộ.

Ông Sáu Phấn cho rằng: “Nói cho người ta tin mới khó, chứ đánh mất niềm tin thì rất dễ. Chỉ có nói và làm đi đôi với nhau, bản thân phải gương mẫu thì mới nói chuyện với bà con được”.

Ông tâm sự thêm: “Bà con xung quanh còn nghèo, mình có của ăn, của để hơn người thì giúp họ để tích đức cho con cháu sau này”.

Ông Phấn còn tích cực đóng góp ngày công lao động thực hiện các công trình như phát hoang cỏ dại, trồng hoa, xây dựng cột cờ, cổng rào và cải tạo nhà ở xanh, sạch, đẹp… Ông Phấn luôn nói mình không phải là người tài giỏi, mà chỉ là người có tấm lòng, được bà con xung quanh tin tưởng. Lão nông hiền lành nói: “Gia đình tôi từng khó khăn nên thấm thía được cái nghèo khổ. Giờ thì tôi cũng đâu giàu có gì, nhưng nhiều người khổ hơn mình nên giúp được gì thì giúp”.


Là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Phấn phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn vay phát triển sản xuất cho hộ khó khăn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, từ đó đã góp phần đáng kể tăng thu nhập cho hộ dân trên địa bàn xã.

Ông Phấn vui vẻ cho hay, hẹ ông trồng đang ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và hứa hẹn cho lợi nhuận khá và lâu dài. “Hẹ này tôi trồng chủ yếu bán bông cho thương lái từ 16.000-20.000 đồng/kg, còn bán lá hẹ có giá 13.000 đồng/kg”

Theo lão nông này, hẹ dễ trồng, ít bệnh, chỉ cần làm đất giồng cao, có khoảng cách 4 hàng trên 1,1 m, sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch dần, sau đó thu hoạch liên tiếp đến 24 tháng sau (hẹ vừa bán được lá, vừa bán được bông). Tuy nhiên, cây hẹ chỉ trồng được 2 năm là phải luân canh cây màu khác đến vài năm rồi mới trồng tiếp lại được.

Hiện ông Phấn đã có tổng cộng 7ha đất, trong đó, ngoài diện tích trồng hẹ, còn lại là trồng lúa. Mỗi năm, ông Phấn có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trong những năm qua, ông Phấn thường xuyên vận động nhân dân quyên góp tiền giúp đỡ cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật,…

Đặc biệt, ông còn vận động, giúp đỡ thường xuyên hàng trăm người với số gạo 30kg/người/tháng (tổng giá trị đến thời điểm này là hàng tỷ đồng).

Nói về việc đi vận động giúp đỡ người nghèo, ông Sáu Phấn tâm sự: “Tôi tìm đến từng người mình quen rồi nói chuyện với họ về cuộc sống cơ cực của người dân. Từ đó người thân, nhất là người chị của tôi ở Mỹ, đã đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo”.

Đến nay, ông Sáu Phấn chẳng nhớ bỏ ra bao nhiêu tiền. “Mình làm vì nghĩ nhiều người cần, không để kể công với ai, có ghi chép gì đâu mà nhớ”, ông cười nói.

Ngoài ra, dù đã xây dựng căn nhà tường khang trang, nhưng hơn 10 năm qua, ông Sáu Phấn vẫn ăn uống, ngủ ở cái chòi lá ngoài ruộng.

“Tôi thích ở ngoài chòi vì nó thoải mái, lại tiện cho việc chăm sóc rau màu, nuôi vịt, cá. Sống ngoài đó “sướng” khỏe hơn trong nhà lớn này”, ông nói.

Chia sẻ về những dự định của mình trong thời gian tới, ông Sáu Phấn cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng chung sức, chung lòng, chung tay góp sức với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Chỗ nào lớn thì nhà nước làm, chuyện nhỏ thì vận động bà con cô bác thực hiện như xây cầu, dường… tôi làm đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi”.

Tổng hợp

Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

You May Also Like

DIỄN ĐÀN

Dù mới chỉ rục rịch lên thành phố nhưng giá đất huyện Bình Chánh đã chạm ngưỡng 300 triệu đồng/m2. Hứa hẹn là nơi...

DIỄN ĐÀN

Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều người thi nhau đi gửi  nhưng quên mất là điều này...

DIỄN ĐÀN

Sau khi đóng hơn 15 tỷ đồng tiền cọc đấu giá đất ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), 73 khách hàng trúng đấu giá...

DIỄN ĐÀN

Từ lâu suy nghĩ cho rằng bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cùng với vàng, chứng khoán khi vật giá tăng,...

Advertisement

Copyright © 2023 Cafeland