iá đất ở Việt Nam luôn tăng và chưa bao giờ giảm. Việc người dân bỏ tiền vào nhà đất nhiều gấp 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế.
Nỗi lo tất cả “chôn” vào đất
Mọi người cứ truyền tai nhau “cơ hội vàng” đang xuất hiện, thật đơn giản và dễ dàng, rồi sẽ giàu lên rất nhanh và một tương lai vô cùng tươi sáng phía trước.
Tuy nhiên, càng đọc lại càng “toát mồ hôi” bởi phong trào làm giàu nhờ đất ngày càng rầm rộ. Phải thừa nhận rằng thời gian qua khi giá đất tăng, không ít người đầu cơ đã trúng đậm. Càng mua sớm về sau bán càng hưởng lợi lớn, càng mua nhiều thì càng giàu nhanh.
Thực sự hiếm có ngành kinh doanh nào đem lại lợi nhuận cao bằng đầu cơ đất. Nhưng với nền kinh tế chưa chắc đã là điều tốt lành.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, giá đất ở của Việt Nam luôn luôn tăng và chưa bao giờ giảm. Kể từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, giá đất đã tăng khoảng 300-400 lần.
Hiện người dân bỏ tiền vào nhà đất nhiều hơn gấp 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh, là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế. Một đất nước chỉ tích trữ tiền vào nhà đất thì tiền đâu để sản xuất kinh doanh, ông Võ đặt câu hỏi.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia kinh tế, các loại thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp. Việc không đánh thuế tài sản với bất động sản đang khuyến khích mọi người tham gia buôn đất. Cứ như thế, giá đất ngày càng bị đẩy lên.
Nhà đất nếu không đưa vào khai thác, sử dụng, sẽ không tạo ra của cải cho xã hội và khi người này giàu lên ắt sẽ có người khác nghèo đi, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn dẫn đến gia tăng bất bình đẳng.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng cần phải sửa các quy định tại cả Luật thuế và Luật Đất đai. Quan điểm của ông là đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi việc này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Thuế nên thiết kế chỉ nhắm vào người giàu, đầu cơ. Về nguyên tắc trong kinh tế, nếu muốn người ta không bỏ tiền vào bất động sản thì phải đánh thuế ở mức làm sao để người đầu cơ thấy không có lãi hoặc không lãi nhiều bằng đầu tư vào những lĩnh vực được khuyến khích.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, việc đánh thuế nhà và tài sản phải nhắm đến triệt tiêu được nạn đầu cơ, hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường bất động sản và thổi giá lên quá cao.
Đánh thuế nhưng cũng cần xét đến bảo vệ cho đại bộ phận người lao động, công chức có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu xét theo nhóm lợi ích, những người có nhiều đất, vốn là những người ở thế mạnh, sẽ cản trở quá trình cải cách này.
