Connect with us

Hi, what are you looking for?

KINH NGHIỆM

Tất tần tật về đặt cọc khi mua bán nhà đất, cần lưu ý để không bị hớ

Đặt cọc là thủ tục không bắt buộc nhưng lại là giao dịch phổ biến trong mua bán nhà đất. Do quy định của pháp luật không có nhiều ràng buộc, nên bên mua và bên bán cần tìm hiểu kỹ thủ tục này để tránh bị hớ, rơi vào tranh chấp về sau.

Hiểu đúng về đặt cọc
Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

Có thể hiểu, đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; đặt cọc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mặc dù đặt cọc là một biện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có điều khoản nào bắt buộc các bên phải đặt cọc.

Đặt cọc là thỏa thuận của hai hoặc nhiều bên khi tham gia vào giao dịch. Khi mua bán nhà hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặt cọc nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ mua hoặc bán khi chưa giao dịch ngay, hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác như hoàn tất giấy tờ, nghĩa vụ thanh toán, hoàn thành việc xây dựng…

Theo đó, đặt cọc là bước đầu tiên  trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhằm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (trên thực tế quan niệm đặt cọc làm tin để không chuyển nhượng, bán cho người khác).

Hợp đồng đặt cọc là thỏa thuận dân sự tự nguyện của các bên

Không bắt buộc nhưng nên công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đặt cọc

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào bắt buộc hợp đồng đặt cọc phải công chứng hoặc chứng thực.

Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hoặc các rủi ro khác thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực.

Trên thực tế nhiều trường hợp vì tin tưởng nên chỉ đưa tiền đặt cọc mà không có giấy tờ ghi nhận về việc giao nhận tiền đặt cọc dẫn tới tranh chấp.

Mức đặt cọc

Pháp luật không có quy định về mức đặt cọc trong các hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, nếu đặt cọc số tiền càng lớn thì việc ràng buộc nghĩa vụ của các bên được nêu trong hợp đồng đặt cọc càng chặt chẽ.’

Nếu mức cọc thấp, nguy cơ bỏ cọc là hiện hữu vì số tiền phải đền cọc thấp.

Do vậy, mỗi bên nên cân nhắc khả năng “bỏ cọc” của các bên còn lại để đưa ra mức đặt cọc phù hợp.

Mức phạt cọc nếu không mua/không bán nhà đất

Khi bên nhận đặt cọc hoặc bên đặt cọc không giao kết hoặc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận thì sẽ bị phạt cọc; mức phạt cọc được quy định rõ tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo đó, mức phạt cọc được quy định như sau:

– Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc (mất số tiền đặt cọc).

– Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (trả lại tiền đặt cọc và bị phạt cọc một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc).

Lưu ý: Các bên có thỏa thuận khác như không phạt cọc hoặc phạt cọc theo mức thấp hơn, cao hơn số tiền đặt cọc thì thực hiện theo thỏa thuận đó với điều kiện nội dung thỏa thuận không trái luật, đạo đức xã hội.

Không bị phạt cọc nếu chỉ có giấy biên nhận tiền
Theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một trong các bên từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng sẽ phải chịu phạt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, nếu bên dự định mua giao tiền cho bên có nhà, đất nhưng không thỏa thuận là đặt cọc hoặc có giấy biên nhận tiền nhưng trong giấy đó không ghi là đặt cọc thì sẽ không bị phạt cọc.

Trường hợp chỉ có giấy biên nhận tiền (trong đó không có từ nào là đặt cọc) thì nghĩa vụ của các bên khi vi phạm sẽ khác với đặt cọc. Nếu đưa một khoản tiền mà không thỏa thuận là đặt cọc thì khi đó được coi là “tiền trả trước”. Về bản chất trả trước là một khoản tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trường hợp các bên không chuyển nhượng nhà đất thì khoản tiền đó sẽ xử lý như sau:

– Bên đưa tiền từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì khoản tiền trả trước sẽ được nhận lại và không chịu phạt, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

– Nếu bên nhận tiền từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì chỉ phải trả lại khoản tiền trả trước và không chịu phạt cọc, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, người dân cần hết sức lưu ý vấn đề này vì rất nhiều trường hợp trên thực tế muốn phạt cọc bên còn lại nhưng không có thỏa thuận đặt cọc thì không xử lý được.

 

 

Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

You May Also Like

DIỄN ĐÀN

Dù mới chỉ rục rịch lên thành phố nhưng giá đất huyện Bình Chánh đã chạm ngưỡng 300 triệu đồng/m2. Hứa hẹn là nơi...

DIỄN ĐÀN

Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều người thi nhau đi gửi  nhưng quên mất là điều này...

DIỄN ĐÀN

Sau khi đóng hơn 15 tỷ đồng tiền cọc đấu giá đất ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), 73 khách hàng trúng đấu giá...

DIỄN ĐÀN

Từ lâu suy nghĩ cho rằng bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cùng với vàng, chứng khoán khi vật giá tăng,...

Advertisement

Copyright © 2023 Cafeland