Connect with us

Hi, what are you looking for?

DIỄN ĐÀN

Mất trắng 750m2 đất vào tay em trai vì chỉ chăm chăm trồng rau, không làm sổ đỏ

Trước đây cha tôi có 1 miếng đất 1000m2 và giao cho người em thứ 2 của tôi là 250m2 còn lại 750m2 là cho tôi nhưng tôi chỉ canh tác rau màu nên chưa làm giấy tờ đất.

Phần đất 250m2 của em tôi đã làm giấy tờ đất và làm nhà trên đó. Sau khi cha mẹ mất, người em của tôi đã âm thầm kê hết phần đất còn lại là của mình mà tôi không hề hay biết, nhưng vẫn được chính quyền cấp sổ, sau này thì tôi mới biết được sự việc như trên. Vậy cho tôi hỏi giờ tôi có thể đòi lại phần đất của mình được không.

Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp thì thửa đất 1000m2 là của cha bạn và để lại cho hai anh em. Đối với diện tích đất 250m2, em của bạn đã hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai đúng theo quy định pháp luật, bạn cũng không có yêu cầu gì về diện tích đất này nên chúng tôi không có ý kiến. Đối với diện tích đất 750m2, trước tiên cần phải xác định đây là phần đất đứng tên cha bạn hay là của chung cha mẹ bạn. Bạn có thể lên xin trích lục hồ sơ địa chính thửa đất tại địa phương để tìm hiểu nguồn gốc của mảnh đất trên.

 Tiếp theo cần xem xét 2 trường hợp dưới đây:

Trường hợp 1: Việc cha bạn giao diện tích 750m2 cho bạn được xác lập bằng văn bản thì đây là chứng cứ quan trọng chứng minh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 750m2 đất cho em bạn là sai quy định pháp luật hiện hành.

Bạn cần tìm hiểu kỹ về các thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ này để chứng minh cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng thủ tục theo quy định pháp luật đất đai. Ngoài ra, bạn cần dựa vào thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của diện tích đất này để đối chiếu pháp luật đất đai thời điểm đó.

Có thể tại thời điểm đó cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ chưa thẩm tra, xác nhận rõ được về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất nói trên…

Bạn sẽ tiến hành khởi kiện hành chính với yêu cầu hủy quyết định và thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất có diện tích 750m2.

Ảnh minh họa: internet

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định thời hiệu khởi kiện hành chính, nếu thời hiệu này kết thúc, bạn sẽ mất quyền khởi kiện. Điểm a, khoản 2, Điều 116, Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho em bạn.

Ngoài ra bạn có thể bổ sung các chứng cứ về việc bạn đã “sử dụng ổn định” thửa đất trên trong thời gian dài.

Theo Điều 21, Nghị định 43/2014/NĐ-CP về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định

Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận).

Trường hợp 2: Việc cha giao diện tích 750m2 đất cho bạn không được xác nhận bằng văn bản và khi cha mẹ bạn mất không để lại di chúc thì đây được coi là di sản thừa kế và sẽ tiến hành chia theo pháp luật. Bạn có thể khởi kiện hành chính với yêu cầu như trường hợp 1, sau đó khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chia di sản thừa kế.

Theo quy định pháp luật dân sự, đối với trường hợp không có di chúc, di sản được chia theo pháp luật theo thứ tự sau đây (Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015):

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo đó, bạn và em của bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác) và đều có quyền được chia di sản. Cụ thể, bạn sẽ được hưởng phân nửa diện tích thửa đất 750m2 sau khi quyết định của tòa án có hiệu lực.

Tư vấn bởi luật sư Đặng Đức Trí, quận Bình Thạnh, TP.HCM – thuộc cộng đồng Luật sư IURA

Vietnamnet

Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

You May Also Like

DIỄN ĐÀN

Dù mới chỉ rục rịch lên thành phố nhưng giá đất huyện Bình Chánh đã chạm ngưỡng 300 triệu đồng/m2. Hứa hẹn là nơi...

DIỄN ĐÀN

Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều người thi nhau đi gửi  nhưng quên mất là điều này...

DIỄN ĐÀN

Sau khi đóng hơn 15 tỷ đồng tiền cọc đấu giá đất ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), 73 khách hàng trúng đấu giá...

DIỄN ĐÀN

Từ lâu suy nghĩ cho rằng bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cùng với vàng, chứng khoán khi vật giá tăng,...

Advertisement

Copyright © 2023 Cafeland